Nội dung bài viết:
TogglePhát triển chương trình đào tạo là gì?
Phát triển chương trình đào tạo là quá trình thiết kế và xây dựng một chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức và hiệu suất của người học. Quá trình này thường bao gồm: xác định nhu cầu đào tạo, phân tích đối tượng học viên, thiết kế nội dung, phát triển tài liệu và triển khai chương trình. Và cuối cùng là tiến hành đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo để đáp ứng tốt nhu cầu của người học.
Khi nội dung đào tạo được phát triển một cách khoa học và chính xác, sẽ mang lại nhiều lợi ích:
- Tăng cường tương tác: Nội dung hấp dẫn và phù hợp sẽ giúp người học tiếp thu và ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng hơn.
- Đảm bảo tính nhất quán: Góp phần chuẩn hóa các thông điệp và quy trình trong toàn bộ tổ chức.
- Nâng cao hiệu quả học tập: Nội dung được thiết kế một cách có hệ thống sẽ hỗ trợ người học áp dụng kiến thức vào thực tế hiệu quả hơn.
- Cải thiện trải nghiệm học tập: Khi nội dung đáp ứng đúng nhu cầu của học viên, hiệu quả học tập cả trong và sau khóa học sẽ được nâng cao.
Ngoài quy trình phát triển chương trình đào tạo ADDIE (Analyze – Design – Development – Implementation – Evaluation), bài viết này sẽ giới thiệu thêm hai mô hình Phát triển chương trình đào tạo khác là Mô Hình SAM và Mô Hình 4C/ID.
Mô hình SAM (Successive Approximation Model)
Giới thiệu mô hình SAM
Mô hình SAM là một phương pháp thiết kế và phát triển chương trình đào tạo linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả. Điểm nổi bật của SAM là việc lặp đi lặp lại, có thể sử dụng được và liên tục cải tiến qua từng giai đoạn phát triển. Mô hình này gồm 3 giai đoạn chính:
- Preparation (Chuẩn bị): Xác định mục tiêu và nhu cầu đào tạo, sau đó lập kế hoạch Phát triển chương trình.
- Iterative design and development (Thiết kế và phát triển lặp đi lặp lại): Mô hình SAM tập trung vào phát triển từng phần nội dung nhỏ, tiến hành thử nghiệm và điều chỉnh liên tục dựa trên phản hồi thu được.
- Implementation (Triển khai): Khi các phần nội dung đã hoàn thiện, chương trình đào tạo được triển khai, tiếp tục thu thập phản hồi và cải tiến để nâng cao chất lượng.
Ví dụ áp dụng mô hình SAM
Một công ty muốn triển khai một chương trình đào tạo mới nhằm nâng cao kỹ năng dẫn giảng của nhà quản lý trong các cuộc họp điều phối. Công ty cần Phát triển chương trình đào tạo nhanh chóng và điều chỉnh linh hoạt dựa trên phản hồi từ người học.
Giai đoạn 1: Preparation (Chuẩn bị)
- Xác định mục tiêu: Mục tiêu chính của chương trình là giúp các nhà quản lý nâng cao kỹ năng dẫn giảng, điều phối cuộc họp hiệu quả, và trình bày thuyết phục, khuyến khích sự tham gia của nhân viên
- Lập kế hoạch: Xác định các chủ đề chính cần đào tạo, bao gồm:
- Kỹ năng thuyết trình hiệu quả
- Kỹ năng điều phối và dẫn dắt cuộc họp
- Phương pháp tương tác và khuyến khích sự tham gia của đội nhóm
Giai đoạn 2: Iterative Design and Development (Thiết kế và phát triển lặp đi lặp lại)
Phát triển lần đầu (Sprint 1):
- Phát triển chương trình: Tạo ra một module ngắn về “Kỹ năng thuyết trình hiệu quả,” bao gồm một bài giảng video ngắn, một bài tập thực hành thuyết trình, và một bài kiểm tra ngắn.
- Thử nghiệm nội bộ: Mời một nhóm nhỏ quản lý tham gia thử nghiệm module này. Sau khi hoàn thành, họ sẽ đưa ra phản hồi về nội dung, cách trình bày, và tính thực tiễn của module.
- Điều chỉnh: Dựa trên phản hồi nhận được, nội dung sẽ được chỉnh sửa, ví dụ như làm rõ hơn các nguyên tắc thuyết trình, thêm phần minh họa thực tế để tăng tính trực quan.
Phát triển chương trình đào tạo tiếp theo (Sprint 2):
- Phát triển chương trình: Tạo module thứ hai về “Kỹ năng điều phối và dẫn dắt cuộc họp.” Module này bao gồm một bài giảng video, một loạt các bài tập thực hành điều phối cuộc họp, và một phiên thảo luận nhóm.
- Thử nghiệm nội bộ: Một nhóm khác thử nghiệm module này và tiếp tục đưa ra phản hồi.
- Điều chỉnh: Thay đổi nội dung dựa trên phản hồi, như cung cấp thêm các kỹ thuật điều phối cụ thể và cách xử lý các tình huống khó khăn trong cuộc họp.
Phát triển toàn bộ chương trình (Sprint 3 và các sprint tiếp theo):
- Hoàn thiện các module còn lại: Tiếp tục phát triển các module còn lại “Phương pháp tương tác và khuyến khích sự tham gia của nhóm.”
- Kết hợp và liên kết các module: Thực hiện kiểm tra lại các module có liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập không.
- Thử nghiệm tổng thể: Tổ chức thử nghiệm chương trình hoàn chỉnh với một nhóm quản lý và điều chỉnh lần cuối cùng dựa trên phản hồi.
Giai đoạn 3: Implementation (Triển Khai)
- Triển khai chương trình: Sau khi đã hoàn thiện và điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo được triển khai cho toàn bộ quản lý trong công ty.
- Thu thập phản hồi: Sau khi triển khai, tiếp tục thu thập phản hồi từ tất cả người học và theo dõi hiệu quả áp dụng vào công việc thực tế.
Kết quả
- Quá trình phát triển chương trình đào tạo theo mô hình SAM giúp công ty tạo ra một chương trình đào tạo chất lượng cao, linh hoạt và có khả năng điều chỉnh nhanh chóng.
- Nội dung đào tạo trở nên hiệu quả hơn, giúp quản lý cải thiện hiệu quả kỹ năng dẫn giảng, làm việc và điều phối trong các cuộc họp và nhiệm vụ hàng ngày.
Mô hình 4C/ID (Four-Component Instruction Design)
Giới thiệu mô hình 4C/ID
Mô hình 4C/ID là một phương pháp được sử dụng để Phát triển chương trình đào tạo toàn diện hơn. Mô hình này đặc biệt thích hợp cho các chương trình yêu cầu phức tạp và kỹ năng chuyên sâu để chương trình đào tạo hiệu quả và toàn diện. Nó bao gồm các thành phần sau:
- Learning Tasks (Nhiệm vụ học tập): Thiết kế các nhiệm vụ học tập mà người học cần thực hiện để phát triển kỹ năng.
- Supportive Information (Thông tin hỗ trợ): Cung cấp các kiến thức lý thuyết và nền tảng để giúp người học hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả.
- Just-in-Time Information (Thông tin cần thiết tại chỗ): Cung cấp thông tin cần thiết đúng lúc, ngay khi người học cần để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
- Part-Task Practice (Thực hành từng phần): Cho phép người học rèn luyện các phần nhỏ của nhiệm vụ nhằm nâng cao kỹ năng trước khi tiến hành nhiệm vụ phức tạp.
Ví dụ áp dụng mô hình 4C/ID
Tiếp tục ví dụ Phát triển chương trình đào tạo kỹ năng kỹ năng dẫn giảng, làm chủ các cuộc họp, áp dụng mô hình 4C/ID:
1. Learning Tasks (Nhiệm vụ học tập)
- Tình huống 1: Trong một cuộc họp nhóm, một thành viên liên tục nói lạc đề, gây gián đoạn cho tiến trình cuộc họp. Quản lý cần đưa cuộc họp trở lại đúng hướng một cách khéo léo mà không làm mất lòng người đó.
- Tình huống 2: Khi thảo luận về một dự án mới, một số thành viên trong nhóm không tham gia ý kiến, làm cho cuộc họp trở nên kém hiệu quả. Quản lý phải khuyến khích sự tham gia của tất cả các thành viên, đảm bảo ai cũng đưa ra ý kiến.
- Tình huống 3: Một cuộc họp đang đi căng thẳng khi các ý kiến mâu thuẫn nhau. Quản lý cần điều phối cuộc họp để tìm ra giải pháp hợp lý, đồng thời giữ được không khí hợp tác và tích cực giữa các thành viên.
2. Supportive Information (Thông tin hỗ trợ)
- Lý thuyết về kỹ năng dẫn giảng: Các nguyên tắc cơ bản về việc truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và hấp dẫn trong cuộc họp, bao gồm cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu để thu hút sự chú ý.
- Nguyên tắc điều phối cuộc họp: Các bước chuẩn bị và triển khai cuộc họp hiệu quả, cách xử lý tình huống phát sinh như mâu thuẫn hoặc thiếu tham gia từ các thành viên.
- Quản lý cảm xúc trong điều phối: Nhận diện và kiểm soát cảm xúc cá nhân cũng như cảm xúc của các thành viên trong cuộc họp, đặc biệt trong các tình huống căng thẳng hoặc mâu thuẫn.
3. Just-in-Time Information (Thông tin cần thiết tại chỗ)
- Gợi ý về câu hỏi dẫn dắt: Khi muốn khuyến khích sự tham gia của các thành viên, quản lý có thể sử dụng các câu hỏi mở như “Anh/chị có suy nghĩ gì về giải pháp này?” hoặc “Chúng ta có thể làm gì để cải thiện điều này?”
- Kịch bản đối thoại: Hướng dẫn cụ thể về cách quản lý các cuộc thảo luận như cách khéo léo chuyển hướng một cuộc trò chuyện không đúng chủ đề hoặc làm dịu căng thẳng giữa các thành viên.
- Mẹo quản lý tình huống: Hướng dẫn ngắn gọn về cách duy trì không khí tích cực và hợp tác trong cuộc họp, ví dụ như “Luôn nhắc lại mục tiêu chung của cuộc họp để giữ mọi người tập trung.”
4. Part-Task Practice (Thực hành từng phần)
- Thực hành kỹ năng dẫn giảng: Luyện tập thông qua các bài tập thuyết trình ngắn, tập trung vào việc truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và thuyết phục.
- Thực hành quản lý cảm xúc: Thực hành kiểm soát cảm xúc của mình khi đối diện với những phản ứng tiêu cực từ các thành viên trong cuộc họp.
- Thực hành xử lý tình huống: Làm việc với các tình huống giả định, giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc họp bằng cách áp dụng các kỹ thuật điều phối và quản lý cảm xúc đã học.
Kết quả
Chương trình đào tạo thiết kế theo mô hình 4C/ID giúp quản lý nắm vững lý thuyết và áp dụng ngay các kỹ năng điều phối vào các cuộc họp thực tế. Điều này giúp nâng cao hiệu quả đào tạo và đảm bảo rằng quản lý có thể điều hành các cuộc họp một cách tự tin, chuyên nghiệp.
Tạm kết về ứng dụng mô hình SAM và mô hình 4C/ID để Phát triển chương trình đào tạo
Trên đây là một số thông tin về ứng dụng mô hình SAM, mô hình 4C/ID để Phát triển chương trình đào tạo. Tin rằng những thông tin này sẽ giúp bạn trang bị kỹ năng Phát triển chương trình đào tạo hiệu quả.
Nội dung thuộc Góc nhìn chuyên gia