Nano learning đang từng bước trở thành một xu hướng đào tạo trên thế giới khi các nội dung nhanh và có tính giải trí cao trên các phương tiện truyền thông ngày càng thu hút được nhiều người hơn. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, 90% nhân viên ưa chuộng các chương trình Microlearning, một phương pháp đào tạo tương tự với nano learning.
Vậy nano learning là gì? Tại sao công ty nên áp dụng phương pháp này? Nó có giống với Microlearning không và quy trình triển khai như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết:
ToggleNano learning là gì?
Nano Learning là một chương trình hướng dẫn cho phép người tham gia học một chủ đề nhất định trong khung thời gian từ 2-10 phút thông qua việc sử dụng phương tiện điện tử và không tương tác với người hướng dẫn trong thời gian thực.
Các khóa Nano Learning dài từ 5-30 ngày, mỗi học phần khoảng 5 phút bao gồm:
- Hình ảnh/GIF
- Khái niệm/Case Study
- Bài tập/Câu hỏi
- Phản hồi
Lưu ý về Nano Learning:
- Tập trung vào một mục tiêu học tập duy nhất và không thể ghi chép trên giấy.
- Không phải là một chương trình hoạt động theo nhóm.
- Không thể thay thế các chương trình toàn diện giải quyết các vấn đề phức tạp.
Tại sao nên áp dụng phương pháp Nano learning?
-
Phù hợp xu hướng:
Hiện nay, nhiều người thích dành thời gian theo dõi các video ngắn trên các mạng xã hội như Youtube khi muốn tìm hiểu thông tin hơn là bỏ ra 4 tiếng cho một buổi học trực tiếp. Nhờ vậy, họ tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như thời gian cho việc phát triển bản thân.
-
Phương pháp học truyền thống không phù hợp:
Sau đào tạo, người học thường chỉ nhớ những kiến thức đầu tiên và cuối cùng trong một bài giảng. Do đó, việc rút gọn lượng kiến thức trong một bài học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, để xây dựng một khóa học truyền thống mất hàng tháng đến hàng năm và rất tốn kém, Nano Learning có thể triển khai nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
-
Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp:
Nhiều doanh nghiệp mong muốn tối ưu hóa một số giai đoạn đào tạo như đào tạo hội nhập, đào tạo lại (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling) giúp nhân viên nắm vững kiến thức và áp dụng nhanh chóng vào công việc thực tế.
Xem thêm: Chương trình đào tạo Trainer chuyên nghiệp
Nano learning có giống với Microlearning không?
Hiện nay, khái niệm “Nano Learning” và “Microlearning” đôi khi được sử dụng lẫn với nhau. Tuy nhiên, về bản chất, hai phương pháp đào tạo này vẫn có một số khác biệt nhất định. Cùng tìm hiểu về những điểm giống nhau cũng như khác nhau ở phần dưới đây.
Giống nhau:
- Cả 2 đều được phát triển dựa theo nguyên tắc Pareto: “80% kết quả đạt được đến từ 20% nỗ lực tạo ra”
- Các bài giảng được thiết kế trong một khoảng thời gian ngắn
- Mỗi bài giảng chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất
- Đều có các tính năng đa phương tiện như văn bản, video, hình ảnh và âm thanh
- Người học có thể tham gia vào bất cứ bài học nào ở mọi thời gian, địa điểm
Khác nhau:
- Nano Learning thường chỉ kéo dài 2-5 phút và chỉ phục vụ cho mục đích học không chính thức. Bên cạnh đó, Nano Learning chỉ đóng vai trò bổ sung kiến thức cho người học và không thể thay thế các chương trình đào tạo phức tạp.
- Trong khi đó, Microlearning dù có những phiên bản 3-5 phút nhưng cũng có những phần kéo dài đến 15 phút. Micro learning có thể được áp dụng trong một chương trình đào tạo chính thức hoặc đóng vai trò như một tài nguyên bổ sung cho chương trình.
Xem thêm: 5 bước xây dựng chương trình Microlearning hiệu quả
Quy trình triển khai Nano learning hiệu quả
Xác định nhu cầu
Để thiết kế các bài học Nano Learning hiệu quả, các giảng viên nội bộ cần xác định nhu cầu đào tạo qua việc đặt ra các câu hỏi:
- Những quy trình nào có thể được chia thành các kỹ năng hoặc bước nhỏ hơn?
- Câu hỏi thường gặp nhất của người học là gì?
- Những thủ tục nào họ không thực hiện thường xuyên?
- Có thể hỗ trợ gì khi họ cần bồi dưỡng lại kiến thức?
Hoặc làm khảo sát, phỏng vấn nhu cầu của người học về những kiến thức họ cần, sở thích học tập của họ (qua video hay podcast). Dựa vào các thông tin thu được, hãy thiết kế một chương trình Nano Learning thật sự logic, phù hợp với nhu cầu và sở thích của người học.
Tối giản nội dung
Chìa khóa thành công của Nano Learning chính là sự ngắn gọn về nội dung. Hãy tập trung vào duy nhất một nội dung truyền tải mà đa số người học quan tâm và tránh lan man. Nhờ vậy, chương trình học có thể giữ được sự nhất quán xuyên suốt và không gây nhàm chán cho người học.
Đặt tiêu đề rõ ràng
Tiêu đề cho mỗi bài giảng cần rõ ràng, sử dụng các từ ngữ trực quan và phải đánh trúng nhu cầu người học. Ví dụ: “Cách thực hiện cuộc gọi bán hàng”, “làm thế nào để bán hàng hiệu quả”. Đặt tiêu đề đúng cho các bài giảng giúp gia tăng tỷ lệ tham gia của các học viên.
Tạo kế hoạch truyền thông
Sau khi đã hoàn thành khâu xây dựng các bài học Nano Learning, cần tạo một kế hoạch liên lạc để thông báo cho người học về những bài học mới ra. Hãy hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng đối với xã hội. Việc họ trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch truyền thông Nano Learning của công ty sẽ thu hút nhiều người tham gia.
Tạo ra văn hóa chia sẻ, kết nối
Nano Learning được triển khai trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, nó nên đóng vai trò như một diễn đàn kết nối và trò chuyện giữa những học viên hơn là một hệ thống khép kín. Khi người học tương tác với nhau nhiều hơn, chương trình Nano Learning cũng sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn.
Tạm kết
Theo Ryan La Poor, đồng sáng lập nền tảng học tập đào tạo nhân viên Arist, trong tương lai, người học sẽ học nhiều hơn từ các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube hay Tik Tok hơn là trường lớp và thư viện. Nano Learning sẽ dần trở thành một xu thế của thế giới trong tương lai ở mảng đào tạo. Nhờ vậy, giáo dục sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn đến nhiều người .
Tìm hiểu thêm các phương pháp đào tạo khác tại: Chia sẻ kiến thức
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo khoá đào tạo giảng viên chuẩn 3+ để hiểu rõ và rèn luyện thành thạo mô hình này.