Hiểu rõ phong cách học tập sẽ giúp Trainer đưa ra các hoạt động dẫn giảng phù hợp, gia tăng hiệu quả đào tạo. Hôm nay, Train The Trainer sẽ giới thiệu đến bạn 04 phong cách học tập theo mô hình Honey & Mumford. Khám phá ngay nhé!
Nội dung bài viết:
ToggleMô hình Honey & Mumford là gì?
Mô hình Honey và Mumford được phát triển bởi hai nhà tâm lý học người Anh là Peter Honey và Alan Mumford. Cả hai đã cùng nhau phát triển mô hình này dựa trên mô hình học tập trải nghiệm của David Kolb.
Mô hình của Honey & Mumford xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách “The Manual of Learning Styles – Sổ Tay về Các Phong Cách Học tập” vào năm 1982. Sau đó 4 năm, mô hình được nhắc đến một lần nữa trong cuốn “Learning Styles Questionnaire – (Bảng Câu hỏi về Các Phong Cách Học tập)” cũng do hai tác giả này viết.
Kể từ đây, mô hình Honey & Mumford được biết đến rộng rãi và ứng dụng trong quá trình đào tạo, phát triển cá nhân. Mô hình này nói đến 04 phong cách học tập, gồm người hoạt động (Activists), người suy ngẫm (Reflectors), người lý luận (Theorists), người thực tế (Pragmatists).
Người hoạt động (Activists)
Người học thuộc nhóm này thích tham gia vào các hoạt động tương tác, các tình huống mới. Qua đó, họ đúc rút kiến thức thông qua những gì bản thân trải nghiệm. Nhóm người này thường nhiệt tình, sôi nổi, thường đóng góp ý kiến cá nhân khiến lớp học trở nên náo nhiệt.
Điểm mạnh của nhóm Activists là nhanh chóng tiếp nhận thông tin mới. Họ rất linh hoạt và sẵn lòng thử nghiệm các tình huống mới. Họ cũng là thành viên tích cực khi tham gia hoạt động cần giao tiếp, thuyết trình, thảo luận nhóm. Điểm yếu của nhóm này là thiếu kỷ luật, dễ chán và mất tập trung nếu nội dung giảng dạy không mới mẻ. Nhóm này cũng yếu trong việc phân tích và suy ngẫm các vấn đề.
Một số hoạt động đào tạo phù hợp với nhóm Activist là: Hoạt động thảo luận nhóm, các tình huống yêu cầu học viên phải ra quyết định nhanh chóng, tình huống mang tính thử thách, các tình huống giả lập yêu cầu đóng vai. Trainer cũng cần lưu ý đưa lời khích lệ trong quá trình nhóm này tham gia hoạt động, việc này giúp họ tự tin và gia tăng tinh thần học tập.
Người suy ngẫm (Reflectors)
Người suy ngẫm là nhóm người thích quan sát, suy ngẫm và nghiên cứu sâu về thông tin trước khi đưa ra quyết định. Họ học thông qua việc suy tư và phân tích về vấn đề hoặc tình huống cụ thể. Nhóm này thường thích ghi chép và ghi nhớ các chi tiết. Họ thích sự riêng tư, dành thời gian một mình để suy ngẫm.
Ưu điểm của nhóm Reflectors là có khả năng nhìn nhận sâu sắc vấn đề từ nhiều góc độ, qua đó tự đưa ra quyết định sau quá trình cân nhắc và suy nghĩ thông suốt. Họ cũng có thể tự học từ kinh nghiệm của bản thân và người khác. Nhược điểm của nhóm này là khá chậm chạp trong việc ra quyết định. Đôi lúc họ do dự và thiếu quyết đoán trước vấn đề.
Để đào tạo hiệu quả cho nhóm Reflectors, Trainer cần lưu ý đưa ra các hoạt động cung cấp thời gian cho việc suy nghĩ, nghiên cứu. Có thể giao đề bài và yêu cầu chuẩn bị ở nhà trước khi đến lớp. Đưa ra các gợi ý về ghi chép hiệu quả để người học có thể nắm vững các chi tiết. Ngoài ra, Trainer có thể đưa ra các câu hỏi khuyến khích suy ngẫm sâu hơn về chủ đề. Sau đó cho họ thảo luận nhóm để trình bày ý tưởng đã chuẩn bị.
Người lý luận (Theorists)
Đây là nhóm người thích tìm hiểu các nguyên lý cơ bản và logic đằng sau thông tin. Họ muốn hiểu rõ về nguyên lý hoạt động của một vấn đề trước khi áp dụng. Do đó, nhóm này thường chú trọng về mặt lý thuyết. Khi tiếp cận với nội dung bất kỳ, họ sẽ tự động đặt câu hỏi trong đầu rằng: Kiến thức này dựa trên học thuyết nào? Ai nói? Nghiên cứu là gì? Đã được chứng minh hay công nhận chưa?…
Ưu điểm của nhóm này là có khả năng phân tích sâu về các nguyên lý và lý thuyết cơ bản của một vấn đề. Các lý luận họ đưa ra vô cùng hợp lý và thuyết phục. Họ cũng có khả năng áp dụng khi đã rõ các nguyên lý. Nhược điểm của nhóm này là có thể bỏ qua các chi tiết trong tình huống thực tế. Họ cũng dễ gây tranh cãi khi tin vào lý thuyết quá nhiều.
Hoạt động đào tạo phù hợp cho nhóm này là các tình huống thảo luận sâu về lý thuyết, các bài tập yêu cầu áp dụng lý thuyết hoặc nguyên tắc cụ thể vào thực tế. Trainer cũng nên lưu ý trình bày slide logic dựa trên các nguyên lý cụ thể, qua đó đưa ra lập luận thuyết phục người học.
Người thực tế (Pragmatists)
Nhóm người này thích tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng có thể áp dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày. Họ thích tham gia vào các hoạt động thực tế và thấy hứng thú khi thấy kết quả cụ thể. Cũng giống người hoạt động, người thực tế thường có sự linh hoạt và thích thử nghiệm các giải pháp mới.
Ưu điểm của nhóm Pragmatists là có khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế một cách hiệu quả. Họ linh hoạt và thích tìm kiếm các cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề. Nhược điểm của nhóm này là thiếu tính kiên nhẫn khi phải tìm hiểu về lý thuyết, do đó, họ có thể bỏ qua những nguyên tắc quan trọng cơ bản khi quá tập trung vào việc áp dụng.
Hoạt động đào tạo phù hợp cho nhóm này là tình huống thảo luận, bài tập thực hành để họ có thể áp dụng được ngay tại lớp. Đồng thời cung cấp các ví dụ minh họa về việc áp dụng vào thực tế, có kết quả rõ ràng. Trainer nên cung cấp phản hồi cụ thể về kết quả khi học viên áp dụng. Như tại khóa Train The Trainer 3+, Trainer của VMP luôn cung cấp feedback cụ thể về kết quả và đề xuất cải thiện cho học viên khi thực hành tại lớp.
Tạm kết về các phong cách học tập theo mô hình Honey & Mumford
Trên đây là một số thông tin về mô hình phong cách học tập Honey & Mumford. Hy vọng rằng nó giúp bạn hiểu hơn về các đối tượng học viên, qua đó đưa ra các hoạt động dẫn giảng phù hợp.
Nội dung thuộc Tips dẫn giảng, nếu thấy bài viết thú vị, đừng quên truy cập vào trainthetrainer.vn mỗi tuần để cập nhật thêm kiến thức mới về chủ đề này nhé!